Theo các chuyên gia giao thông, văn hóa uống rượu bia trong ngày Tết của đại đa số người dân là tập quán không dễ thay đổi. Cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, xây dựng ý thức cho người dân về sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe…
Vì sao tài xế vi phạm nồng độ cồn trong dịp Tết tăng cao đột biến?
Theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, trong 7 ngày nghỉ tết Nguyên đán Giáp Thìn, cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm; Phạt tiền hơn 182 tỷ 425 triệu đồng. So với tết Quý Mão 2023, số xử phạt tăng 48.752 trường hợp (tăng 223,4%), tiền phạt tăng 131 tỷ 690 triệu đồng (tăng 265%).
Đặc biệt, dịp nghỉ Tết năm nay, có tới 29.099 lái xe vi phạm nồng độ cồn bị xử lý, tăng hơn 21.373, tương đương 277,7% so với tết Nguyên đán 2023. Số người vi phạm nồng độ cồn chiếm 41,25% trong tổng số vi phạm về trật tự an toàn giao thông.
Nếu như dịp Tết năm ngoái, chỉ có 7.700 trường hợp, Tết năm 2022 chỉ có hơn 1.100 trường hợp bị xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn thì năm nay con số này lên tới gần 3 vạn. Đây có lẽ chưa phải là con số phản ánh đúng thực tế, bởi số người vi phạm nồng độ cồn lái xe thoát xử phạt có thể còn rất nhiều. Lý do là không phải lực lượng CSGT lúc nào cũng có thể có mặt mọi lúc, mọi nơi để kiểm tra, xử lý.
Xem những số liệu này nhiều người không khỏi băn khoăn và đặt ra câu hỏi tại sao trong suốt thời gian dài vừa qua, lực lượng chức năng kiểm tra nồng độ cồn với quy định rất nghiêm (không có vùng cấm, thực hiện xuyên Tết…) mức phạt rất nặng, nhiều người vẫn cố tình uống rượu bia lái xe đến vậy?.
Nói về vấn đề này, TS. Nguyễn Hữu Đức, chuyên gia giao thông cho rằng, nguyên nhân là do một số người chủ quan, lơ là luật pháp, đánh giá thấp nguy cơ tai nạn khi lái xe sau khi vi phạm nồng độ cồn.
“Họ cho rằng chỉ uống một vài ly sẽ không ảnh hưởng nhiều đến khả năng điều khiển phương tiện. Một số người có niềm tin sai lầm về khả năng uống giỏi hay chịu được cồn khiến họ tự tin lái xe sau khi sử dụng chất kích thích. Cùng với đó là tâm lý may rủi, nghĩ rằng mình sẽ không gặp phải sự kiểm tra của lực lượng chức năng.
Đặc biệt, những ngày Tết đâu đó vẫn còn có những hành vi tiếp tục ép rượu bia trong các cuộc vui, khiến nhiều người khó từ chối, dẫn đến việc sử dụng rượu bia quá mức. Áp lực từ bạn bè, đồng nghiệp, người thân trong việc chén tạc chén thù khiến họ miễn cưỡng uống rượu bia dù không muốn”, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh.
Ngoài ra, TS. Nguyễn Hữu Đức còn chỉ ra các nguyên nhân khác như thiếu phương tiện di chuyển thay thế. Hệ thống giao thông công cộng chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu di chuyển của người dân, đặc biệt là ở các khu vực ngoại thành, nông thôn.
Việc sử dụng taxi, xe ôm công nghệ trong dịp Tết gặp nhiều khó khăn do giá cao, số lượng xe hạn chế và tình trạng “chặt chém”. Thiếu ý thức về việc vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông. Một số người chưa nhận thức đầy đủ về hậu quả nghiêm trọng của việc lái xe sau khi sử dụng rượu bia. Thiếu sự giáo dục, tuyên truyền hiệu quả về tác hại của vi phạm nồng độ cồn và luật an toàn giao thông.
“Hiện nay, mặc dù mức phạt đã được tăng cao, nhưng một số người vẫn cho rằng mức phạt này chưa đủ sức răn đe. Việc xử lý vi phạm chưa thực sự nghiêm minh, còn nhiều trường hợp “lách luật”, “né phạt””, TS. Nguyễn Hữu Đức nhấn mạnh thêm.
Theo ý kiến của các chuyên gia khác, số liệu này cho thấy tập quán sử dụng nhiều rượu bia trong dịp Tết của người dân vẫn phổ biến, là thói quen không dễ gì từ bỏ.
Giải pháp nào để kéo giảm người vi phạm nồng độ cồn lái xe trong dịp Tết?
Các chuyên gia cho rằng, hiện nay, việc xử phạt vi phạm nồng độ cồn dù đã đang được nỗ lực nhưng mới chỉ là phần ngọn, vì khi đó hành vi đã diễn ra rồi. Quan trọng nhất là phải làm thế nào để tất cả mọi người đều ý thức được sự nguy hiểm của việc uống rượu bia lái xe.
Những năm qua, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tăng cường, triển khai mạnh mẽ, ý thức của nhiều người đã được nâng lên nhưng chưa được chuyển biến nhanh trong một sớm một chiều. Công việc này cần triển khai sâu rộng hơn nữa, để xây dựng văn hóa khi tham gia giao thông không vi phạm nồng độ cồn, trở thành nếp suy nghĩ đối với mỗi công dân “đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Để giải quyết vấn đề này, theo TS. Nguyễn Hữu Đức, cần có sự kết hợp của nhiều giải pháp. Cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân về an toàn giao thông. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn, đảm bảo xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm. Phát triển hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân di chuyển an toàn. Khuyến khích sử dụng phương tiện di chuyển thay thế như taxi, xe ôm công nghệ. Xây dựng văn hóa giao thông, xóa bỏ tục ép rượu bia trong các cuộc vui.
“Ngoài việc nghiên cứu bổ sung chế tài tăng nặng, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu thêm việc đa dạng hóa hình thức xử phạt để tạo thêm sự răn đe. Chỉ khi có sự chung tay của toàn xã hội, vấn đề lái xe sau khi sử dụng rượu bia mới có thể được giải quyết hiệu quả, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và bảo vệ tính mạng con người”, TS. Nguyễn Hữu Đức chia sẻ.
Nguồn: cafef.vn